Thời kỳ trị vì giữa Bắc Ngụy Thái Vũ Đế

Đến mùa xuân năm 432, Thái Vũ Đế tôn nhũ mẫu của mình, Đậu bảo thái hậu, là thái hậu. Ông cũng lập một trong các con gái của Hách Liên Bột Bột làm hoàng hậu, và lập con trai cả Thác Bạt Hoảng (con trai phu nhân Hạ thị đã mất) làm thái tử.

Vào mùa hè năm 432, Thái Vũ Đế sau khi đã tiêu diệt được nước Hồ Hạ, bắt đầu tấn công Bắc Yên một cách nghiêm túc. Đến mùa thu năm 432, ông bao vây kinh thành Hòa Long (和龍, nay thuộc Cẩm Châu, Liêu Ninh) của Bắc Yên. Mặc dù đã có một vài chiến thắng trước quân Bắc Yên, ông đã chọn cách rút lui khi mùa đông đến, ông bắt được một số lượng lớn cư dân Bắc Yên và buộc họ phải tái định cư ở Bắc Ngụy. Vài năm tiếp theo, ông mở các cuộc tấn công hàng năm chống lại Bắc Yên với cùng một cách thức là khiến cho Bắc Yên dần suy yếu. Trong lúc tập trung vào việc đánh Bắc Yên, ông cũng hướng chú ý đến Bắc Lương, song do nghe theo lời khuyên của Lý Thuận (李順), ông đã quyết định chờ cho đến khi vua Thư Cừ Mông Tốn của nước này qua đời.

Vào mùa đông năm 432, Phùng Sùng (馮崇), con trai hoàng đế Phùng Hoằng của Bắc Yên, lo sợ sẽ bị phụ thân xử tử do bị mẹ kế Mộ Dung Vương hậu gièm pha, đã dâng trọng thành Liêu Tây (遼西, nay thuộc Đường Sơn, Hà Bắc) cho Bắc Ngụy. Để thưởng cho Phùng Sùng, Thái Vũ Đế không chỉ cử em trai Thác Bạt Kiện (拓拔健) đến giúp Phùng Sùng thoát khỏi cuộc bao vây của phụ thân, mà còn lập ông ta làm Liêu Tây vương và trao cho 10 quận làm thái ấp.

Năm 433, Thư Cừ Mông Tốn qua đời, Thái Vũ Đế bắt đầu tính đến việc chinh phục Bắc Lương. Tuy nhiên, ban đầu ông tiếp tục chấp nhận con trai của Thư Cừ Mông Tốn là Thư Cừ Mục Kiền làm chư hầu, và lấy em gái của Thư Cừ Mục Kiền làm thiếp.

Mùa xuân năm 434, Hách Liên Xương vì một lý do nào đó đã chạy trốn khỏi Bình Thành và cố gắng bắt đầu một cuộc nổi loạn. Ông ta bị giết chết trong một trận chiến, và Thái Vũ Đế đã lệnh xử tử các em trai của Hách Liên Xương.

Cũng trong mùa xuân năm 434, sau lần đầu từ chối một lời đề nghị hòa bình của Bắc Yên, Thái Vũ Đế đã chấp thuận nó sau khi Phùng Hoằng dâng một người con gái cho Thái Vũ Đế làm thiếp và trao trả sứ thần Bắc Ngụy Hốt Nữ Vu Thập Môn (忽忸于什門), người đã bị hoàng đế tiền vị của Phùng Hoằng là Phùng Bạt giam giữ vào năm 414 sau khi được Minh Nguyên Đế ủy thác đến Bắc Yên. Tuy nhiên, Thái Vũ Đế lại lệnh cho Phùng Hoằng phải đưa thái tử Phùng Vương Nhân (馮王仁) đến Bình Thành để yết kiến song Phùng Hoằng đã từ chối nên đã kết thúc thời kỳ hòa bình ngắn ngủi, và đến mùa hè năm 434, Bắc Ngụy nối lại các cuộc tấn công định kỳ vào lãnh thổ Bắc Yên. Trong khi đó, trong khoảng thời gian này, ông cũng lấy một em gái của Sắc Liên khả hãn Uất Cửu Lư Ngô Đề của Nhu Nhiên làm thiếp và gả một em gái hay em họ là Tây Hải công chúa cho Uất Cửu Lư Ngô Đề, tiếp tục củng cố mối quan hệ hòa bình giữa hai bên.

Mùa thu năm 434, trong khi tấn công quân nổi loạn Hung Nô của Bạch Long (白龍), Thái Vũ Đế đã khinh suất và gần như đã bị bắt trong một cuộc phục kích, chỉ thoát được nhờ nỗ lực của Hầu Mạc Trần Kiến (侯莫陳建). Sau đó, ông đánh bại Bạch Long và tàn sát bộ lạc của Bạch.

Năm 436, Phùng Hoằng lại cử sứ thần đến, thông báo sẽ đưa Phùng Vương Nhân đến làm con tin. Thái Vũ Đế không tin lời của Phùng Hoằng nên đã từ chối đề xuất hòa bình, và chuẩn bị cho một cuộc tấn công quyết định. Tuy nhiên, khi ông dẫn quân đến Hòa Long, Phùng Hoằng đã sẵn chuẩn bị từ trước, ông ta yêu cầu Cao Câu Ly cử quân đến hỗ trợ hộ tống mình và người dân Bắc Yên đến vùng đất của Cao Câu Ly, và do tướng Thổ Hề Bật của Thái Vũ Đế say rượu nên quân Bắc Ngụy đã không thể đuổi theo, trong cơn giận, Thái Vũ Đế đã bắt giam và sau đó giáng chức cả Thổ Hề và cấp phó của ông ta là tướng Nga Thanh (娥清) thành các binh sĩ bình thường, mặc dù vậy, sau đó ông đã lại phong họ làm tướng. Sau đó, Thái Vũ Đế cứ sứ giả đến Cao Câu Ly, yêu cầu Cao Câu Ly giao nộp Phùng Hoằng. Bảo Tạng Vương của Cao Câu Ly đã từ chối, mặc dù vẫn khiêm nhường trước Thái Vũ Đế. Thái Vũ Đế nghe theo đề xuất của em trai là Lạc Bình Lệ vương Thác Bạt Phi (拓拔丕), nên đã không ngay lập tức thực hiện một chiến dịch chống lại Cao Câu Ly. (Song đến năm 438, Phùng Hoằng và Cao Câu Ly trở nên bất hòa, Bảo Tạng Vương đã giết chết Phùng Hoằng.)

Cuối năm 436, các mối quan hệ hòa bình mà Bắc Ngụy giữa Bắc Ngụy và Nhu Nhiên từ năm 431 đã chấm dứt và không rõ nguyên nhân vì sao. Nhu Nhiên tiếp tục quấy nhiều vùng biên giới phía bắc của Bắc Ngụy.

Năm 437, các dàn xếp về vấn đề hôn nhân mà Thái Vũ Đế đề nghị với Lưu Tống Văn Đế đã đạt được một số thành quả, Văn Đế đã cử quan Lưu Hi Bá (劉熙伯) đến Bắc Ngụy để thảo luận chi tiết về việc một trong số con gái của Văn Đế sẽ kết hôn với thành viên của hoàng tộc Bắc Ngụy, song vào thời điểm đó, con gái của Văn Đế lại qua đời và cuộc dàn xếp kết thúc.

Cũng trong năm 437, bực tức trước nạn tham nhũng tràn lan mà trong đó các quan chức địa phương của ông có dính líu đến (điều này là cần thiết cho họ bởi vào thời điểm đó, không có quan Bắc Ngụy nào được nhận bổng lộc), ông đã ban hành một chiếu chỉ khuyến khích các quan cấp thấp và thường dân báo cáo tội tham ô của các quan. Tuy nhiên, chiếu chỉ này đã không có được hiệu quả như suy tính, những người có bằng chứng về tội tham nhũng của các quan lại đã sử dụng nó để tống tiền các quan tham này, và nạn tham nhũng vẫn tiếp tục.

Sau đó vào năm 437, Thái Vũ Đế gả em gái là Vũ Uy công chúa cho Thư Cừ Mục Kiền, và Thư Cừ Mục Kiền đã cử thế tử Thư Cừ Phong Đàn (沮渠封壇) đến Bình Thành làm con tin. Mặc dù vậy, Thái Vũ Đế vẫn tính đến việc chinh phục Bắc Lương, song do thúc giục của Lý Thuận nên Thái Vũ Đế đã trì hoàn kế hoạch.

Năm 438, Thái Vũ Đế mở một cuộc tấn công lớn chống lại Nhu Nhiên, song quân Nhu Nhiên chủ yếu tránh né nên ông chỉ đạt được thành công hạn chế.

Năm 439, tình hình càng trầm trọng thêm khi em gái của Thư Cừ Mông Tốn và em dâu là Lý phu nhân (có quan hệ với Thư Cừ Mục Kiến) đã cố đầu độc Vũ Uy công chúa, ngoài ra thì Thư Cừ Mục Kiền có mối quan hệ thân thiện với Nhu Nhiên, Thái Vũ Đế vì thế đã mở một cuộc tấn công lớn chống lại Bắc Lương. Lý Thuận, không rõ vì sao lại thay đổi lập trường và cùng với Thổ Hề Bật phản đối các hành động quân sự này, họ nói sai rằng có rất ít nước và cỏ tươi để chăn thả tại Bắc Lương vì thế quân Bắc Ngụy sẽ bị khát vào đói. Tuy nhiên, do Thôi Hạo nhất định chủ chiến, Thái Vũ Đế tin rằng ông có thể chinh phục được Bắc Lương, và đã cho mở chiến dịch. Ông nhanh chóng tiến đến kinh thành Cô Tang (姑臧, nay thuộc Vũ Uy, Cam Túc) của Bắc Lương vào mùa thu, chiếm được thành sau một thời gian ngắn bao vây. Trong khi đó, Uất Cửu Lư Ngô Đề đã phát động một cuộc tấn công bất ngờ vào Bình Thành để cứu giúp Bắc Lương song đã bị đẩy lùi. (Thôi Hạo, người là một kẻ thù chính trị của Lý Thuận, đã quy việc Lý Thuận thay đổi lập trường là do đã nhận hối lộ của Thư Cừ Mục Kiền, và sau đó Thái Vũ Đế đã buộc Lý phải tự sát.) Lãnh thổ Bắc Lương phần lớn rơi vào tay Bắc Ngụy, và mặc dù cả em trai của Thư Cừ Mục Kiền là Thư Cừ Vô HúyThốc Phát Bảo Chu (禿髮保周), con trai của vua Nam Lương cuối cùng là Thốc Phát Nục Đàn, đã có nắm giữ các phần lãnh thổ khác nhau của Bắc Lương, năm 440 thì Thốc Phát Bảo Chu chết do tự sát sau khi thất bại, và đến năm 441 thì Thư Cừ Vô Húy chạy đến đất Cao XươngTây Vực. Miền Bắc Trung Quốc nay hoàn toàn thống nhất dưới quyền cai trị của Thái Vũ Đế, chấm dứt thời Ngũ Hồ thập lục quốc và bắt đầu thời Nam-Bắc triều. Ông tiếp tục đối đãi với Thư Cừ Mục Kiền như một em rể, và Thư Cừ Mục Kiền được phép tiếp tục giữ tước hiệu Hà Tây vương.